446.119
 PHONG THỦY
Vai trò vị trí của Làng nghề truyền thống đá Non Nước
Thứ tư, 29/02/2012, 10:33 GMT+7 | Xem: 2.571

Lúc đầu nghề đá chỉ là nghề phụ của một ít gia đình khi nông nhàn, dùng nguyên liệu tại chỗ để làm ra sản phẩm là những vật dụng gia đình, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương, như các loại cối giã gạo, cối xay bột, đá nêu lưới đánh cá, đá tán kê chân cột nhà, cột đình, lắp thành giếng hoặc các bia mộ được khắc bằng đá...

Thời gian sau chuyển dần sang điêu khắc những hình tượng và các tác phẩm nghệ thuật trang trí tại miếu thờ, lăng tẩm…nên sản phẩm có giá trị mỹ thuật ngày càng cao hơn và đã thu hút ngày càng nhiều lao động. Và hình thành nên một làng nghề điêu khắc đá truyền thống được truyền dạy qua nhiều thế hệ khá độc đáo.

http://yeudulich.vn/Upload/DiemDenBaiViet/Da-Nang/lang-da-non-nuoc1.jpg

Sau năm 1975, cùng với các loại hình kinh tế quốc doanh, Hợp tác xã Đá Mỹ Nghệ Non Nước được thành lập và đi vào hoạt động trong thập niên 80, HTX có 130 xã viên đã góp phần tham gia xây dựng tượng đài chiến thắng, nghĩa trang liệt sỹ ở nhiều địa phương trong cả nước, góp phần quan trọng việc gìn giữ, phát triển ngành nghề truyền thống địa phương.

Từ năm 1986, nước ta mở ra giai đoạn mới, nền kinh tế đất nước phát triển, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và làng nghề tuyền thống đá Non nước tăng nhanh. Sản phẩm Làng nghề mang tính khác biệt, có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Năm 2006, Hội làng nghề truyền thống điêu khắc đá Non Nước-Ngũ Hành Sơn đựơc thành lập và tiến hành Đại hội lần thứ nhất, Hội đã phối hợp với Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng, xây dựng đề án xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu Làng Nghề, trong đó đã tổ chức thành công cuộc thi sáng tác Logo Làng Nghề.

Hiện nay, Làng Nghề Đá Mỹ Nghệ Non Nước có hơn 20 doanh nghiệp, 430 cơ sở sản xuất- kinh doanh lớn, nhỏ với hơn 4.500 lao động. Quy mô và tốc độ phát triển sản xuất làng nghề không ngừng gia tăng, giải quyết được việc làm của người lao động, đặc biệt là nông dân bị hồi đất, thu nhập bình quân/ lao động từ 2-3 triệu đồng /tháng.

Năm 2008 giá giá trị sản xuất làng nghề thực hiện: 76,5/282 tỷ đồng; chiếm 27,1% tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế do quận quản lý.

Những kết quả đạt được của Làng nghề trong những qua rất đáng khích lệ, là một trong ngành sản xuất chính và có lợi thế của Quận. Tuy nhiên, Làng nghề đá Non nước hiện nay cũng là nguy cơ ảnh hưởng môi trường sinh thái của Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường du lịch, cảnh quan đô thị. Hiện tượng các cơ sở Sản xuất/kinh doanh đá mỹ nghệ phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, tranh mua, tranh bán, nhái kiểu dáng, chất lượng sản phẩm bị lai tạp làm giảm giá trị thẩm mỹ.

Nhận thức về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu công nghiệp phần lớn các hộ Sản xuất/kinh doanh tại đây còn nhiều hạn chế, hiện nay đối với Làng nghề mới chỉ có logo chung, nhưng quy chế sử dụng logo này chưa được quy định, nên tác dụng quảng bá, xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, ngoài logo chung của Làng nghề, chỉ có một số ít cơ sở có đăng ký sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu riêng, logo riêng của mình.

Về quy mô sản xuất Làng nghề chỉ phát triển đơn thuần, theo kiểu truyền thống, làm ăn nhỏ lẻ, thiếu liên kết với nhau và ít nhiều còn mang tính thụ động, Hội Làng nghề tuy đã được thành lập nhưng thiếu nguồn lực nên hoạt động chưa hiệu quả.

Với vị trí và tầm quan trọng của Làng nghề đá Non Nước, trong những năm qua, đặc biệt là sau khi thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Làng Nghề Truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước luôn được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành thành phố Đà Nẵng quan tâm giúp đỡ tạo mọi điều kiện để phát triển cụ thể là:

UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số: 9479/QĐ-UB ngày 09/12/2005 về việc phê duyệt Đề án phát triển Làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng, trong đó xác định trọng tâm là phát triển làng nghề truyền thống đá Non Nước.

Cùng với những chủ trương chung của thành phố về phát triền làng nghề, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã đề ra định hướng phát triển làng nghề từ nay đến 2020 là: Phát huy lợi thế của Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ truyền thống Non Nước, tiếp tục phát triển công nghiệp chế tác trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, nhằm tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Quy hoạch lại làng nghề theo hướng mở rộng tại làng nghề hiện nay và đẩy mạnh phát triển thương mại kết hợp với phát triển du lịch. Ưu tiên phát triển mạnh Làng nghề đá Mỹ nghệ Non Nước trên địa bàn được quy hoạch, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển các sản phẩm mỹ nghệ từ đá với quy mô lớn. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm đầu ra, giới thiệu mặt hàng với các đối tác trong và ngoài nước. Phấn đấu tốc độ tăng sản phẩm bình quân đạt 30%/năm.

Trước mắt, UBND quận Ngũ Hành Sơn quy hoạch lại làng nghề, triển khai đầu tư khu sản xuất tập trung của làng nghề trên diện tích 30 ha tại vị trí mới, cách xa khu dân cư và khu du lịch, với cơ sở hạ tầng đồng bộ như đường, điện, hề thống xử lý nước thải… Phấn đấu từ nay đến 2012 sẽ đưa vào sử dụng.

Hiện nay trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá, khi nước ta trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thì nguồn lực của các các cơ sở, các doanh nghiệp, các làng nghề không chỉ bằng vốn, bằng năng lực quản lý sản xuất kinh doanh, bằng công nghệ tiên tiến, bằng giá thành rẻ, bằng sức sáng tạo, kỹ năng và năng lực thiết kế, sáng tác mẫu mã... mà còn phải có thương hiệu mạnh, có uy tín…

Thương hiệu chính là nguồn lực, là động lực để phát triển, đặc biệt là các Làng nghề truyền thống. Đối với thương hiệu làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước là một trong những làng nghề điêu khắc đá nổi tiếng trong nước và cả trên thế giới, nhưng đến nay mới chỉ có logo làng nghề, chưa đăng ký sở hữu trí tuệ về thương hiệu làng nghề.

Trong khuôn khổ Chương trình 68 của Chính phủ (Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp), Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai Dự án: “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Non Nước” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đá của làng đá Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng”, Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển làng nghề nói riêng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quận Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng nói chung.

Hy vọng rằng trong thời gian đến sau khi Dự án được triển khai, Nhãn hiệu sản phẩm đá mỹ nghệ Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước ngày càng được khẳng định được tên tuổi và vị thế của một làng nghề truyền thống tiêu biểu của cả nước, góp phần làm cho thương hiệu đá Non Nước, Ngũ Hành Sơn trở nên hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Lãnh đạo UBND quận Ngũ Hành Sơn cam kết với lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ thành phố Đà Nẵng, sẽ phối hợp và tạo mọi điều kiện để dự án được triển khai một cách thuận lợi và thành công.

Thanh vân

CÁC TIN KHÁC